Trung tâm TP HCM sẽ có thêm 100 cao ốc
Thay vì bó hẹp ở quận 1 và 3, trung tâm TP HCM mở rộng sẽ lên tới 930 ha, gồm cả một phần quận 4 và Bình Thạnh. Giao thông đô thị của thành phố cũng sẽ có nhiều chuyển biến mang tính hiện đại.
Sáng 4/10, tại kỳ họp thứ 6 HĐND khóa 8, UBND TP HCM báo cáo về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt cùng quy hoạch và quy chế quản lý đô thị khu trung tâm hiện hữu.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Trần Chí Dũng, khu trung tâm hiện hữu mở rộng có diện tích khoảng 930 ha, được giới hạn bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh - Rạch Thị Nghè (phía Bắc); đường Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám (phía Tây); đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành (phía Nam); sông Sài Gòn (phía Đông).
Kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa 8 khai mạc sáng 4/10 với chuyên đề công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị. Ảnh: H.C.
Trung tâm hiện hữu mở rộng của TP HCM được chia thành 5 vùng đặc thù với các chỉ tiêu phát triển kinh tế kỹ thuật, cải tạo đô thị khác nhau. Khu vực lõi trung tâm kinh doanh thương mại nằm trong ranh giới quận 1 rộng gần 93 ha; trung tâm văn hóa - lịch sử rộng 212 ha chạy xung quanh trục đường Lê Duẩn (quận 1); khu bờ Tây sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (một phần quận 1, 4 và Bình Thạnh) rộng 250 ha; khu biệt thự ở quận 1 và 3 rộng 232 ha và khu vực lân cận khu thương mại - tài chính rộng 117 ha.
Dọc bờ Tây Sông Sài Gòn sẽ xây dựng không gian công cộng, khu phố đi bộ từ đường Tôn Đức Thắng (đoạn Hàm Nghi - công trường Mê Linh), chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm kết hợp với bãi xe ngầm. Đồng thời, nhiều tuyến giao thông mới sẽ được mở. Đường Lê Lợi sẽ được kéo dài, nối với đường Tôn Đức Thắng và dưới đường Tôn Đức Thắng sẽ có đường ngầm nhằm tăng năng lực giao thông cho khu vực.
Theo quy hoạch, công viên 23/9 (quận 1) sẽ được giữ lại hoàn toàn để duy trì mảng xanh cho thành phố. Đồng thời, nhiều tuyến vận tải hành khách công cộng sẽ được hình thành. 4 trong 6 tuyến metro của TP HCM kết nối các quận 2, 9, 7, Bình Tân, Tân Bình và huyện Nhà Bè sẽ kết thúc hành trình ở ga trung tâm đặt tại khu vực Công viên 23/9 và trước chợ Bến Thành.
Trung tâm TP HCM sẽ rộng khoảng 930 ha, ngoài quận 1 và 3 sẽ được mở rộng thêm một phần quận 4 và Bình Thạnh. Ảnh: H.C.
Theo Sở này, bên cạnh những công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn, dự kiến khu vực trung tâm TP HCM sẽ xuất hiện thêm khoảng 100 cao ốc mới. Những cao ốc này sẽ tập trung ở trung tâm thương mại, tài chính của quận 1 và một phần khu bờ Tây sông Sài Gòn.
Tuyến buýt nhanh chạy dọc đường Nguyễn Tất Thành, một đường xe điện hiện đại trên đường Võ Văn Kiệt, một tuyến giao thông thủy chạy từ Thanh Đa... sẽ làm nhiệm vụ đưa đón khách đến khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TP HCM. Những công trình này sẽ đảm bảo giao thông thành phố thông suốt dù có thêm nhiều công trình xây dựng mới hình thành.
Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thời gian tới sẽ hạn chế việc tăng dân số tại các khu trung tâm. Tổng số dân dự kiến trong khu vực trung tâm thành phố sau khi mở rộng sẽ không quá 226.000 người.
Chiều 4/10, HĐND sẽ chia tổ và thảo luận các vấn đề về công tác quy hoạch đô thị và đền bù, tái định cư cho người dân bị giải tỏa phục vụ dự án.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã báo cáo với HĐND TP đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu xây dựng thành phố phát triển bền vững hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường để TP HCM trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực. Theo đó, TP HCM sẽ phát triển theo 2 hướng chính là phía Đông với hành lang phát triển là cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội và hướng phía Nam với hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Hữu Thọ với địa chất thủy văn đặc biệt có nhiều kênh rạch, nhằm phát huy thế mạnh là đặc thù sông nước. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ phát triển theo 2 hướng phụ là phía Tây - Bắc với quốc lộ 22 và phía Tây, Tây - Nam với hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Văn Linh. |
Hữu Công
Tin mới hơn
- Bảo vật Quốc gia độc đáo (2012-10-14 14:22:05)
Tin cũ hơn
- 9 km đường trên cao Hà Nội trước ngày thông xe (2012-10-14 14:19:12)
- Đền Trần được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (2012-10-14 14:18:01)
- Mùa lúa chín vàng ở Mù Cang Chải (2012-10-14 14:17:34)
- Vẻ đẹp của nữ sinh mặc áo lính (2012-10-14 14:15:35)
- Màn nhảy tập thể lập 'Guinness Việt Nam' (2012-10-14 14:13:56)
- Đà Nẵng quy hoạch tuyến tàu điện ngầm (2012-10-14 14:11:41)
- Tổng rà soát quy hoạch 'treo' tại TP HCM (2012-10-14 14:11:08)
- TP HCM lại có nguy cơ ngập nặng vì triều cường lớn (2012-10-14 14:10:06)
- 7 cầu vượt đại lộ Thăng Long dang dở do thiếu tiền (2012-10-14 14:08:56)
- Khoảnh khắc Hà Nội bị rải bom năm 1972 (2012-10-14 13:44:39)
Các tin khác
- Loài cá mập có hàm khỏe nhất (2012-10-14 13:42:43)
- 30 phụ nữ quyền lực nhất ngành quảng cáo thế giới (2012-10-14 13:42:10)
- Uyên Linh gợi cảm từ ngoại hình đến giọng hát (2012-10-14 13:40:59)
- 48 cá sấu xổng chuồng bị bắt (2012-10-14 07:37:39)
- Miền Bắc đầu tuần nắng nhẹ (2012-10-14 07:37:39)